Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng, tới Hà Giang vào lúc chiều tối, bạn có thể nghỉ buổi tối ngay tại thành phố, hoặc lựa chọn đi tiếp tới Quản Bạ (cách thành phố hơn 40km) hoặc Yên Minh. Tuy nhiên, nghỉ tại Hà Giang là phương án hợp lý nhất sau quãng đường dài 300km.
Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Tam giác mạch trải dài những cung đường đèo là một trong những vườn hoa được du khách say mê check-in nhiều nhất.
Tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo, là hình ảnh thu hút lượng lớn khách du lịch đến với cao nguyên hàng năm. Hoa tam giác mạch nở vào tháng 10 thường no nắng và gió nên có màu hồng, nhưng cũng là giống hoa này được trồng vào đầu năm thì lại thường có màu trắng, hoa nhỏ.
Đồng bào các dân tộc nơi đây gieo hạt tam giác mạch xen lẫn với những ruộng hoa màu khác và cũng có những vùng chỉ trồng dày đặc cây tam giác mạch. Thông thường, hạt gieo từ sau vụ ngô đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.
Trên đường tới cao nguyên đá Đồng Văn, rẽ vào Phó Bảng để thăm “thị trấn ngủ quên”, bạn sẽ có cơ hội đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ở ven đường, điểm xuyết giữa những thảm hoa là những ngôi nhà có kiến trúc cổ. Dọc theo QL4C, hoa tràn ngập bên thung lũng Sủng Là, Pải Lủng…; hoa bạt ngàn mênh mông Hoàng Su Phì, Xín Mần… Trên đường đi Sà Phìn, bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng. Giữa bốn bề núi đá, quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khô hạn, những con đường đổ dốc ngoằn ngoèo chìm ngập trong thung lũng… xuất hiện những vạt hoa tam giác mạch khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh hoa nở trên đá.
Lạc vào ngôi nhà Chuyện của Pao
Rời Phó Bảng, điểm tiếp theo ngay dưới chân dốc là thung lũng Sủng Là, nơi có làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm nổi tiếng, ngôi làng xinh đẹp được lấy làm bối cảnh trong phim Chuyện của Pao – bộ phim đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ở Lũng Cẩm yên bình, nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô và Mông, bạn sẽ được tham quan những ngôi nhà lâu đời của người Mông lợp bằng ngói âm dương đã trải qua gần một thế kỷ. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là ngôi nhà đã đi vào những thước phim Chuyện của Pao, nhà của gia đình ông Mua Súa Páo. Giữa vùng núi đá tai mèo Hà Giang mọc lên một ngôi nhà hai tầng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa mới, trong tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc Mông vùng cực Bắc.
Từ khi bước lên những thước phim đẹp trong Chuyện của Pao, ngôi nhà tứ đại đồng đường của một gia đình người Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước đã trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở làng Lũng Cẩm. Giữa cao nguyên đá khô cằn, “nhà của Pao” như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào Mông với vẹn nguyên nét đẹp huyền bí và quyến rũ. Đặc biệt, phía sau cánh cổng “nhà của Pao” là vạt đào rừng khiến không gian dường như thêm trầm mặc, đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về cảnh sắc nơi đây đẹp như tranh vẽ.
Rời Lũng Cẩm, đến Sà Phìn, hãy ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (hay còn gọi là nhà vua Mèo). Đây là một trong những dinh thự cổ còn sót lại của những gia đình giàu có nhờ buôn thuốc phiện ở Hà Giang. Từ dinh thự họ Vương, hãy quay trở lại ngã ba rẽ đi cột cờ Lũng Cú. Qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú, nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S để nhớ tới những vần thơ.
Thưởng bánh từ… hoa trên cao nguyên đá
Từ khoảng giữa tháng 10, cao nguyên đá Hà Giang tràn ngập sắc tím hồng của tam giác mạch. Người dân nơi đây đã chế biến loài hoa này thành món ăn dân dã có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như bánh tam giác mạch. Những hạt tam giác mạch nhỏ xíu, được xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước. Tới khi đạt độ dẻo, bột này được cho vào khuôn, đúc thành những chiếc bánh nhỏ rồi hấp chín trên bếp lửa. Bạn có thể thưởng thức ngay tại các phiên chợ hay mua về làm quà cho người thân khi lên cao nguyên đá với giá 10 – 15 nghìn đồng/chiếc.
Ngoài bánh tam giác mạch, khi đặt chân tới vùng đất này, hãy thưởng thức món cháo ấu tẩu. Món cháo có tên gọi hơi lạ tai được làm từ nguyên liệu là củ ấu, một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Củ này được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất bốn tiếng cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Bát cháo là tổng hòa mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu. Hãy tham gia chợ phiên, hoặc dừng chân một quán lúp xúp trong chợ Đồng Văn để vừa nhâm nhi món cháo này, vừa ngắm nhìn những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc…
Bạn có thể tham khảo Hà Giang – Hoàng Sa Phì – Xín Mần
Nhận xét
Đăng nhận xét